Hôm nay đang trên đường đến Phượng Vỹ bắt đầu buổi học đầu tiên của năm ba, cậu bạn thân đã hỏi tôi: “Nếu được lựa chọn lại, mày có chọn Nông Lâm không? Không chần chừ, câu trả lời của tôi ngay lúc đó là “Có”. Nhưng nếu là tôi của 2 năm trước, câu trả lời chắc chắn sẽ là “Không”, vì Nông Lâm không phải lựa chọn thuở ban đầu của tôi.

Suốt những năm tháng học phổ thông, tôi cũng có ước mơ như bao bạn đồng trang lứa, đậu vào trường mình mơ ước bao lâu. Thời cấp ba của tôi, một con bé dân khối tự nhiên, học tốt ở trường cấp ba, cũng có vài ba giải thưởng, thỉnh thoảng mơ mộng ước mơ đi du học, nhưng thực tế tôi cũng chỉ dám ước mơ vào một ngôi trường có danh tiếng một chút, học tốt một chút, sau này kiếm tiền nuôi bản thân rồi dư chút thì để cho ba mẹ. Nhưng rồi kỳ thi đại học đã thay đổi tất cả, tra cứu điểm ra, tôi ngồi trước màn hình máy tính mà nước mắt rơi, tôi không tin vào mắt mình, tôi trượt trường tôi mơ... Không dám ôn thi lại vì tốn thời gian cũng như công sức, hơn nữa gia đình tôi cũng không khá giả gì, thế là tôi điền nguyện vọng “đại” vào một trường với số điểm thấp hơn, vẫn đúng ngành tôi muốn học, chỉ là nó ở một ngôi trường khác. Ngày nhận kết quả trúng tuyển, lòng tôi không một chút gợn sóng. Rồi Nông Lâm dang rộng vòng tay đón tôi vào lòng.

Tôi bước vào cuộc đời sinh viên với niềm tin vỡ vụn, với suy nghĩ ấu trĩ rằng không phải trường kia thì trường nào cũng như nhau. Tuần sinh hoạt công dân đầu tiên đã dần thay đổi suy nghĩ trong tôi. Một người thầy đã hỏi tôi rằng: 

“Em có chọn Nông Lâm vào nguyện vọng 1 không?”

“Không thầy ạ. Nguyện vọng 1 của em là trường khác.”

“Vậy chắc là em chưa yêu Nông Lâm đâu nhỉ. Thầy nghĩ chắc cũng là em không đậu được trường cao điểm hơn nên em vào Nông Lâm. Nhưng thay vì em ngồi đó buồn hay gì đó, thì em hãy học cách yêu Nông Lâm đi, em sẽ thấy nhiều điều hay. Điểm thi đại học chính là con thuyền, chênh lệch một chút cũng là chênh lệch, nó sẽ đưa em đến những nơi khác nhau, gặp gỡ những con người khác nhau, và Nông Lâm cũng vậy. Đã lựa chọn, thì em hãy chịu trách nhiệm và học cách yêu nó em nhé.” 

Nghe lời thầy, vì dù sao tôi cũng không muốn tuổi trẻ của mình phung phí. Tôi bước vào những ngày tháng nhiệt huyết của những năm tháng đầu đại học, như con chim được thả cánh bay, tôi hào hứng làm quen với môi trường mới và đầy hấp dẫn. Tôi nhìn các anh chị khóa trên một cách đầy ngưỡng mộ, nhìn những câu lạc bộ năng động đầy thích thú. Khoảng thời gian nhập học cũng chính là lúc các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm bắt đầu tuyển những đợt thành viên mới đầy ưu tú và nhiệt huyết. Không ngoại lệ, tôi cũng quyết định tham gia vào đội CÔNG TÁC XÃ HỘI. Ngày còn ở cấp ba, tôi chưa từng tham gia vào một câu lạc bộ hay đội nhóm nào cả nên cách mọi người ở đây làm việc, vui chơi với nhau, làm tôi thật sự bất ngờ. Qua thăm hỏi thì tôi biết được mọi người đến từ đủ các tỉnh thành trên cả nước, đến từ tất cả các khoa bộ môn trong trường, thế nhưng lại thân thiết và yêu thương nhau đến mức tôi bất ngờ. Ở đây mọi người đối với nhau như là một gia đình, không phân biệt bạn là ai, chỉ cần bạn là người của gia đình này thì có nghĩa là bạn sẽ được yêu thương và đùm bọc. Ở đây cho tôi biết về lần đầu ăn cơm với đại gia đình gần năm mươi người, lần đầu tiên tự tay chuốt tre, bọc giấy làm ra một cái lồng đèn ngôi sao hoàn chỉnh mà trước đây tôi chỉ có cơ hội thấy trên phim ảnh, lần đầu tiên cùng rất rất nhiều người lạ làm nên một chương trình trung thu thật ý nghĩa cho các em nhỏ. Những ngày tháng đầu tiên, bất ngờ và ngộp thở về lịch trình sinh hoạt công dân dày đặc ở trường, rồi chỗ ở, kí túc xá, nhưng những bạn K44 của đội vẫn cháy hết mình, chỉ cần có thời gian rảnh sẽ cùng ra làm việc với các anh chị lớn, đó là điều bất ngờ đáng quý của tuổi trẻ. Sau này có nhiều kế hoạch cá nhân hơn, tôi dần thưa bớt thời gian đi cùng với đội, nhưng chắc chắn hoảng thời gian đó sẽ mãi ở trong tâm trí tôi chẳng thể phai mờ. 

Bước qua khoảng thời gian sinh hoạt công dân đầu khóa, chúng tôi bước vào kỳ học đầu tiên của năm nhất. Buổi đầu đi học, tôi thật sự khá là “sốc” trước sức chứa của giảng đường đại học. Một lớp học “cỡ lớn”, khiến cho việc làm quen giữa các bạn với nhau cũng không hề dễ dàng. Thế nhưng nhờ cái tính nói không hề ít của mình, tôi cũng quen được khá nhiều bạn, rồi có được một đám bạn thân như bây giờ. Chưa kể, những môn học đầu tiên cũng trở thành vật cản khá lớn. Chúng tôi đã quá quen với việc thầy cô “cầm tay chỉ việc” ở cấp ba nên khi bước lên đại học, ý thức về việc “tự bơi” của tôi vẫn chưa cao lắm nên tôi bị ngợp với các môn học. Đa phần các sinh viên đều phải trải qua những môn đại cương khó nhằn như: toán cao cấp, hóa đại cương, đường lối Hồ Chí Minh..., tập làm quen với những khái niệm “tín chỉ”, “học phần”... Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn thì tôi đã bắt nhịp được với lịch trình dày đặc của Nông Lâm. Điều ám ảnh tôi nhất chính là lần đầu tiên đăng ký học phần, đã được các anh chị đi trước truyền kinh nghiệm nhưng tôi vẫn không thể nào đăng ký được. Website của trường thì sập liên tục, bạn bè cứ lần lượt đăng ký xong, số lượng còn lại cứ vơi dần, còn tôi thì vẫn cứ đọc được dòng chữ “Server đang tải dữ liệu, vui lòng trở lại sau”. Thế nhưng cũng nhờ đợt đăng ký học phần, tôi mới thấy con dân Nông Lâm thương nhau lắm. Nhiều bạn năm 1 năm 2 vẫn nhường suất học cho các anh chị năm cuối, đôi khi vì đã quá nhiều kỳ các anh chị không đăng ký được nên chưa ra được trường, Nông Lâm đáng yêu thế đấy!

Trải qua một năm nhất đầy hứng khởi và cũng gay go, tất cả K44 lại bận rộn chuẩn bị chăn mùng chiếu gối để...học quân sự. Tôi nghe các anh chị kể về quân sự, kể về bộ quân phục màu xanh, về những bước chân thao trường đội nắng, kể về “lời nguyền” thoát ế quân sự... Thế nhưng khi tự mình trải nghiệm kỳ học ấy, tôi mới cảm nhận được nó thật sự tuyệt vời đến mức nào. Đó là khoảng thời gian cực kỳ đáng nhớ, đáng nhớ vì nó giúp các thành viên trong lớp gắn bó nhau hơn khi ăn chung, ở chung, học chung. Sau học kỳ quân sự, mỗi bạn sẽ cất vào kho kỉ niệm của riêng mình những hồi ức khác nhau, như những trò chơi mỗi tối vẫn diễn ra như ma sói hay UNO, bức tường hồng sống ảo, những confession tìm người yêu. Bên cạnh đó, một trong những thứ được xemn là bị “thù” nhất mùa quân sự có lẽ là tiếng báo thức tập thể dục lúc 5h30 sáng hằng ngày và tiếng báo thức đi học lúc 12 giờ 30 mỗi chiều, khoảng thời gian mà các “đồng chí” vẫn đang vùi mình trong chăn say giấc nồng. Hơn nữa vì là cán bộ đại đội, thức sớm hơn, ngủ muộn hơn các bạn, tôi còn được trải nghiệm thêm cảm giác tối tối đi trực nhắc các phòng ngủ sớm, đôi khi vừa đi vừa sợ có gì “bất ngờ” đến từ phía sau.

Đến bây giờ, khi đã bước qua một nửa chặng đường đại học, một trong những điều tôi không hề hối hận đó là đặt chân vào CÔNG NGHỆ HÓA HỌC. Ở đây, tôi tìm được và kết giao được với những người xa lạ mà thân thương, những người không hề chung huyết thống nhưng lại coi bạn như em út trong nhà, yêu thương và giúp đỡ hết mực. Ở đây, tôi còn có một thầy trưởng bộ môn và một đội ngũ giảng viên tận tụy với công việc cũng như sinh viên. Những môn học khó khăn thật nhưng chỉ cần chúng tôi chịu hỏi, thầy cô chưa bao giờ không lắng nghe và giải đáp hết sức. Học đại học chưa bao giờ là một con đường dễ dàng, hóa học của chúng tôi không ngoại lệ. Tôi từng đọc trên mạng xã hội, có bạn chia sẻ: “Ôi cái việc chuẩn độ ấy mà, có người làm nhẹ nhàng dễ dàng mà sao mình cứ thừa thiếu 1-2 giọt, thế là làm lại từ đầu”. Nhìn thì dễ thật đấy nhưng đúng là nó khó khăn thế đấy, nhưng bây giờ sau 7749 lần làm sai thì tôi cũng đã chuyên nghiệp hơn một chút rồi. 

Kỷ niệm bạn bè với tôi vô cùng vui vẻ, càng ngày chúng tôi càng gắn kết hơn. Nhớ những môn học mà cả nhóm bị “Deadline dí”, thức trắng đêm làm cho kịp, nhớ những lần làm thuyết trình nhóm mà cả nhóm cùng nhau tìm tài liệu, dịch thuật, làm slide sao cho chuyên nghiệp nhưng vẫn phải đơn giản và ít chữ. Rồi cả những lần nhớ nhớ quên quên, hỏi nhau ngày mai học tiết mấy? Học ở Cát Tường, Tường Vi, Hướng Dương hay là Phượng Vỹ? Đến bây giờ, bài tập ngày càng dày hơn trước, “deadline” cũng nhiều hơn rất nhiều, chúng tôi bây giờ cũng dần ăn ý nhau hơn, hiểu ý nhau hơn, nhưng những đêm trắng vì bài tập, vì báo cáo mà thầy bắt làm bằng tiếng Anh thì vẫn ở đó và ngày càng khó hơn. Tự động viên nhau rằng “Cố gắng trời không phụ công người”, rồi chúng tôi lại bước tiếp. 

Tôi từng nghe người ta kể về thị phi, về việc “Học đại học nhàm chán lắm”. Phải chăng mỗi người một hoàn cảnh, là do tôi quá may mắn hay do Nông Lâm quá tốt đây? Với tôi, có lẽ ngày ấy không đậu vào ngôi trường kia lại là một cơ duyên may mắn, một mối lương duyên tuyệt vời với Nông Lâm. Tôi có thể không hài lòng vì chuyện gì nhỉ? Khi mà trường tôi là ngôi trường được phủ xanh nhất ở thành phố này, một khuôn viên rộng lớn đáp ứng mọi nhu cầu của sinh viên, dù đi bộ thì hơi mỏi chân một chút. Trường cũng có sân bóng đá bóng chuyền, nhà thi đấu. Đi học thì hòa mình với thiên nhiên, vào lớp thì vui vẻ với bạn bè, hơn nữa, trường luôn tạo mọi điều kiện để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với ngành học từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đó chính là những ngày tháng thực tập tại doanh nghiệp, chính là những ngày hội việc làm tuyển dụng hàng năm, là sự giúp đỡ hỗ trợ của các thầy cô giúp sinh viên tốt lên từng ngày. Tôi nhận ra rằng, ở đây, chúng tôi không chỉ thành công mà còn là thành nhân, thành một con người không chỉ là biết đến bản thân mà còn biết đến xã hội. 

Trải qua đã một nửa chặng đường tại Nông Lâm, tôi đã và đang trưởng thành lên rất nhiều, rèn luyện bản thân nhiều điều, từ kiến thức đến cách sống đều đang dần vững vàng lên. Cảm ơn bản thân tôi vì ngày ấy đã đặt bút chọn vào Nông Lâm, cảm ơn Nông Lâm đã là một phần thanh xuân của tôi. Một tuổi trẻ không hề hoài phí, đã xây dựng được tại Nông Lâm này. Nên nếu dù có thời gian quay lại, tôi vẫn chọn Nông Lâm, một lần nữa.

Lã Thị Thu Hà - DH18HH

BAN BIÊN TẬP - NLO

{picture#https://1.bp.blogspot.com/-Fl6pcJEzG6s/XI04bIU16eI/AAAAAAABAWw/fH7rOOeosCQMGn8OXOozeFNZ9KubmTXAgCK4BGAYYCw/s320/logon.png} Ban Biên tập Công thông tin Tuổi trẻ Nông Lâm TP.HCM xin cảm ơn sự quan tâm của đồng chí đến những thông tin hoạt động của đoàn viên, hội viên, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. {facebook#https://www.facebook.com/tuoitrenonglamtphcm} {twitter#https://www.twitter.com/dongchihau} {instagram#https://www.instagram.com/ngoconghau}
Được tạo bởi Blogger.