Cùng là những sinh viên xa quê lên thành phố học tập tại môi trường Đại học, các bạn đón tết Dương lịch này thế nào? Có bạn ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Long An,... chắc có nhiều bạn đã sắp xếp về bên gia đình đón thời khắc giao mùa từ mùa đông se lạnh sang mùa xuân tràn đầy màu sắc và vô cùng ấm áp. Thế còn phần ít các bạn khác thì sao, hay những bạn quê tận ngoài miền Bắc, miền Trung thì lại không về được. Đối với sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM thì lại khác, được thưởng thức một đêm văn nghệ Chào Xuân thật tuyệt vời để vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ cha, mẹ.


Chúng tôi được cùng nhau ngồi trong một hội trường ấm áp với sắc xuân sặc sỡ của hoa mai, hoa đào là sự hòa chung nền văn hóa hai miền Nam, Bắc. Trên sân khấu, chúng tôi nhìn thấy những hình ảnh múa lân, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả, những đồng tiền vàng,... để cho mọi người cảm nhận được không khí của xuân đang về. Ngoài ra, Ban Tổ chức thiết kế những mô hình ngộ nghĩnh để đưa mọi người trở về với tuổi thơ và khoe với ba mẹ đang ở nhà. Chúng tôi cùng ngồi sát bên nhau, cùng xem những tiết mục văn nghệ và cảm thấy vô cùng ấm áp.


Mở màn cho đêm nay là liên khúc “Hạnh phúc xuân ngời” đến từ Đội Văn nghệ Rạng Đông. Những cô gái chàng trai thể hiện sắc xuân với phong cách tươi trẻ, ấn tượng pha chút ma mị thu hút người xem. 


Mùa xuân cũng có hương thơm của trăm hoa khoe sắc, hương thơm từ những nồi bánh chưng, bánh tét, mùa xuân có vị ngọt của bánh mức, vị ngon từ các món ăn truyền thống dân tộc, đặc biệt là hương vị của không khí giao mùa, niềm vui và hân hoan của thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Đó cũng chính là thông điệp mà tiết mục “ Hương xuân” do khoa Quản lý đất đại và Bất động sản trình bày.


Tết đến xuân sang ai ai cũng mong muốn được trở về với gia đình vào dịp đầu năm mới, quay quần, chia sẻ với nhau về những việc đã diễn ra trong năm qua. Dù ở đâu, dù làm bạn làm gì thì đầu xuân vẫn ôm lấy một hy vọng đoàn viên. Thế nhưng, cuộc sống không có gì là trọn vẹn, đôi khi ta phải hy sinh một điều nhỏ để hướng đến một điều lớn lao hơn, sẽ có một lí do nào đó níu giữ chân bạn ở nơi đất khách quê người, buộc bạn phải ăn Tết xa nhà. Tết xa tuy không vui, nhưng vẫn sẽ ấm áp nếu trong tim vẫn nuôi dưỡng một ước mơ ngọt ngào. Tết xa, Ước mơ ngọt ngào đến từ khoa Ngoại ngữ - Sư phạm.


Tiết mục Hòa tấu nhạc cụ dân tộc đến từ Đội VNXK Nhịp Điệu Xanh (đàn tranh, sáo trúc, guitar).


Mùa xuân khoát lên những bộ áo mới cho cây cỏ, muôn hoa, mùa xuân cho muôn chim quay về với muôn cây và mùa xuân còn ôm lấy những hy vọng tình duyên trong tiết mục Điệp khúc mùa xuân do Bộ môn Công nghệ Hóa học biểu diễn.


Cô gái thướt tha trong tà áo dài giúp chúng ta nhìn thấy hình ảnh đi chùa đầu năm của phụ nữ Việt Nam xưa và nay. Mong đầu năm, cuối năm gặp may/ Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy... là những lời cầu chúc năm mới đến từ ca khúc Cánh thiệp đầu xuân do khoa Thủy Sản trình bày.


Ba chàng trai, ba vóc dáng, ba giọng hát, mỗi người một miền quê nhưng cùng nhau hòa chung giọng hát trong ca khúc Hạnh phúc xuân ngời đến từ Đội Văn nghệ Rạng Đông.


Một mùa xuân đến mở ra những điều mới nhưng điều đầu tiên trong ngày đầu năm ấy có lẽ là bình minh ló dạng cùng những vệt nắng chạy dài ở chân trời hứa hẹn bao điều mới mẽ. Tiết mục Bình minh sáng ngời đến từ Bộ môn Công nghệ Sinh học.


Mùa đông qua đi, nhường chỗ cho nàng chúa xuân bao phủ, sự thức tỉnh của vạn vật sau kì nghỉ đông dài, một bắt đầu mới, một năng lượng mới. Một ca khúc về sự thức tỉnh của một nàng công chúa, ca khúc được ví như “ Bản thánh ca tuyệt vời của tự do”, ca khúc Lets it go đến từ khoa Công nghệ thực phẩm. Một giọng nam với hình ảnh hoạt hình cực kì dễ thương đã xuất hiện trên sân khấu.


Hoạt cảnh Đường về quê của các bạn sinh viên đến từ khoa Môi trường tài nguyên. Đã bao lâu bạn không đặt chân về ngôi nhà bạn từng lớn lên? Đã bao lâu bạn không đi đến những địa điểm mà bạn từng quen thuộc khi còn nhỏ? Và đã bao lâu đôi chân của bạn không chạm vào con đường quen thuộc mà bạn vẫn đi hằng ngày khi thơ ấu? Bạn có nhớ những nơi bạn đã từng thân quen không? Để rồi cất lên bài hát với giai điệu vui tai: “Đường về quê thấy sao lòng vui ghê”.


Tà áo dài thướt tha, nụ cười vui vẻ, cử chỉ dịu dàng, giọng hát vô cùng ăn ý là để nói đến 3 cô gái đến từ Đội VNXK Nhịp Điệu Xanh.


Màu vàng thật đẹp trong ánh nắng, nó nhảy múa trong gió, màu vàng này gắn với tuổi thơ của những đứa trẻ mục đồng, và có thể nói nó là biển có màu vàng đẹp nhất. Em đi giữa biển vàng nghe âm vang trên đồng lúa hát/ Bông lúa trĩu trong lòng tay... (Em đi giữa biển vàng - Khoa Thủy Sản)


Mang đúng sức trẻ, nhiệt huyết và sự tinh nghịch của chính bản thân mình, các bạn sinh viên năm nhất, Bộ môn Công nghệ hóa học đã đem đến sân khấu một tiết mục kịch đầy sâu sắc “Tết này con lại Ế” giúp khán giả cười ra nước mắt nhưng cũng lắng động với những tình tiết nhân văn và tiết mục mang lại.


Xuân 3 miền với phần biểu hiện của khoa Chăn nuôi - Thú y. Dù là miền Bắc, miền Trung hay miền Nam thì tết luôn là dịp để chúng ta ngồi lại bên nhau, hòa lại thành một để chia sẻ cho nhau những thăng trầm đã qua trong năm vừa rồi và chúc cho nhau những đều may mắn sẽ tới. 


Kết thúc chương trình là phần Chúc tết đến từ anh Lê Văn Sony, Bí thư Đoàn trường đến sinh viên toàn trường, thêm động lực cho năm mới cũng như thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, Ban Thường vụ Đoàn trường và Ban Thư ký Hội Sinh viên trường đối với tất cả các bạn sinh viên.




Ban Biên tập
Tin, ảnh: Xuân Lê và cộng sự

BAN BIÊN TẬP - NLO

{picture#https://1.bp.blogspot.com/-Fl6pcJEzG6s/XI04bIU16eI/AAAAAAABAWw/fH7rOOeosCQMGn8OXOozeFNZ9KubmTXAgCK4BGAYYCw/s320/logon.png} Ban Biên tập Công thông tin Tuổi trẻ Nông Lâm TP.HCM xin cảm ơn sự quan tâm của đồng chí đến những thông tin hoạt động của đoàn viên, hội viên, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. {facebook#https://www.facebook.com/tuoitrenonglamtphcm} {twitter#https://www.twitter.com/dongchihau} {instagram#https://www.instagram.com/ngoconghau}
Được tạo bởi Blogger.