Bạn là một người yêu thích động vật? Bạn muốn tìm hiểu về đời sống, về sự an toàn của động vật nói chung và động vật hoang dã nói riêng? Còn chần chừ gì nữa hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông tin về buổi tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ động vật hoang dã” được diễn ra vào lúc 8g00 ngày 29/09/2016 tại Hội trường Cát Tường, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, đây là chương trình do Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) tổ chức, là một hoạt động thiết thực nhằm giúp cho các bạn sinh viên có thêm kiến thức về các loài động vật hoang dã.
Chương trình Bảo vệ Động vật hoang dã tại Hội trường Cát Tường
Đến với buổi tọa đàm có sự tham dự của chị Bùi Thị Khánh Hạ - điều phối mạng lưới tình nguyện viên (TNV) của ENV, chị Nguyễn Thị Vân - điều phối chương trình TNV của ENV, chị Trương Thị Phương Thảo - cán bộ truyền thông Văn phòng ENV tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có sự tham dự của các bạn là thành viên của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) và hơn hai trăm bạn sinh viên của Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

Trong không khí sôi nổi của buổi tọa đàm, các bạn sinh viên đã tỏ ra khá là hứng thú với chủ đề thông qua việc tích cực trao đổi, đặt những câu hỏi với các chị ở trung tâm. Khi được các chị hỏi cảm nhận khi xem đoạn phim ngắn về cảnh động vật hoang dã bị giết hại thì các bạn đã mạnh dạn xung phong đứng dậy nêu cảm nhận và suy nghĩ của mình. Chị Khánh Hạ đặt câu hỏi “Con người giết động vật hoang dã với mục đích gì?” thì các bạn khoa chăn nuôi thú y đã xung phong trả lời rất chính xác với các mục đích là làm thuốc, làm thực phẩm, làm cảnh, đồ mỹ nghệ trang trí (ngà voi, sừng tê giác...). Ngoài ra, trong buổi tọa đàm các bạn còn được chia sẻ về các lý do tại sao phải ngưng tiêu thụ động vật hoang dã. Trước tiên, các chị đã trích dẫn câu nói của lương y đa khoa Vũ Quang Trung về vấn đề sử dụng cao hổ: “Hãy sáng suốt khi lựa chọn phương pháp điều trị, vì sức khỏe của bạn, đừng sử dụng cao hổ”. Đó cũng như là một lời khẳng định về các “thần dược” mà mọi người vẫn truyền tụng nhau chữa được bách bệnh (sừng tê giác, mật gấu, ngà voi, cao hổ...) thực chất chỉ là những hành vi phạm tội nhằm mục đích trục lợi từ người tiêu dùng, giết hại các loài động vật hoang dã, động vật quý hiếm. Và các chị cũng đề cập đến hình phạt xử lý cho hành vi mua bán động vật hoang dã là năm năm tù và tiền phạt tùy theo mức độ vi phạm. Tiếp đó, các chị đã chỉ ra hàng loạt các lý do không nên sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã như: Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ cách nhìn của bạn bè quốc tế nếu cứ tiếp tục sử dụng các sản phẩm đến từ động vật hoang dã, số lượng động vật hoang dã, động vật quý hiếm của Việt Nam đang dần trở nên tuyệt chủng (tê giác đã tuyệt chủng, số lượng voi cũng suy giảm nặng nề...). Và đứng trước tình hình đó để có thể giải quyết ổn thỏa thì giải pháp tốt nhất là mỗi người cần có nhận thức về vấn đề bảo tồn động vật hoang dã, nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã. Tuyên truyền, vận động mọi người cùng tham gia bảo vệ động vật hoang dã.
Sinh viên giao lưu với Ban Tổ chức trong chương trình
Tham gia mạng lưới TNV của ENV để cùng chung tay bảo vệ, giải cứu các loài động vật hoang dã, giúp chúng có thể tồn tại và được trở về môi trường thiên nhiên. Ngoài ra, khi tham gia vào ENV bạn còn được học hỏi những kỹ năng, kiến thức về động vật nói chung và động vật hoang dã nói riêng, được cấp giấy chứng nhận hoặc thư giới thiệu của trung tâm sau khi tốt nghiệp ra trường nếu bạn hoạt động tích cực, đặc biệt là bạn được hỗ trợ tài liệu liên quan khi bạn cần.

Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, một đoạn video ngắn đã được các chị ở Trung tâm thực hiện với khẩu hiệu “Sinh viên Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh nói không với sử dụng động vật hoang dã...yeah...yeah...!”. Khẩu hiệu như một lời thất tỉnh cho những ai đã, đang và có ý định sử dụng động vật hoang dã, hãy dừng ngay hành vi, ý nghĩ ấy. Mỗi loài động vật đều có sinh mạng, chúng cần được sống, được tự do như mỗi chúng ta. Vì vậy, mỗi người hãy nâng cao nhận thức về việc bảo vệ các loài động vật hoang dã. Hãy dừng ngay việc giết hại chúng, hãy cho chúng cơ hội được sống với thiên nhiên và với con người.
         Hãy gọi ngay vào đường dây nóng 18001522 hoặc gửi email: hotline@fpt.vn khi phát hiện những hành vi săn bắt, mua bán động vật trái phép bạn nhé! Hãy cùng chung tay vì cộng đồng để bảo vệ các loài động vật hoang dã, các loài động vật quý hiếm các bạn nhé!


Ban Tuyên giáo Đoàn trường

BAN BIÊN TẬP - NLO

{picture#https://1.bp.blogspot.com/-Fl6pcJEzG6s/XI04bIU16eI/AAAAAAABAWw/fH7rOOeosCQMGn8OXOozeFNZ9KubmTXAgCK4BGAYYCw/s320/logon.png} Ban Biên tập Công thông tin Tuổi trẻ Nông Lâm TP.HCM xin cảm ơn sự quan tâm của đồng chí đến những thông tin hoạt động của đoàn viên, hội viên, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. {facebook#https://www.facebook.com/tuoitrenonglamtphcm} {twitter#https://www.twitter.com/dongchihau} {instagram#https://www.instagram.com/ngoconghau}
Được tạo bởi Blogger.